• 0236.3.55.16.56
  • 0904000226
  • 0236.3.55.16.57
  • Hỗ trợ khách hàng 24/24

    0236.3551.656

  • Hotline

    0904.000.797

  • Tư vấn an toàn lao động

    0905.29.55.86

  • Giao hàng tận nơi

  • Thanh toán linh hoạt

229 Tôn Đức Thắng, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng

Nguy hại từ đồ bảo hộ lao động rởm

Thiết bị bảo hộ lao động (BHLĐ) là những dụng cụ, phương tiện cần thiết để ngăn ngừa tai nạn và bảo vệ sức khỏe cho người lao động khi làm việc trong điều kiện có các yếu tố nguy hiểm, độc hại. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, các thiết bị này được bày bán tràn lan, nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng không bảo đảm, nhiều ngành thiếu đồ BHLĐ. Việc quản lý thị trường đồ BHLĐ đang bị buông lỏng, bất cập cần được quản lý chặt chẽ đặc biệt là về chất lượng.

Nhộn nhạo thị trường đồ bảo hộ lao động

Khảo sát tại các cửa hàng bán thiết bị BHLĐ trên các đường: Yết Kiêu, Nguyễn Du, Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh (TP Hà Nội)… chúng tôi thấy, các loại bày bán ở đây khá phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Phần lớn các mặt hàng này được nhập từ nước ngoài, trong đó có nhiều loại mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn bảo hành, không có ngày sản xuất, không hạn sử dụng. Anh Nguyễn Văn Dương, chủ một cửa hàng bán đồ BHLĐ trên đường Lê Duẩn cho biết: “Mặt hàng đồ BHLĐ hiện nay rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, từ khẩu trang, dây an toàn, quần, áo, mũ bảo hộ… cho đến những thiết bị chuyên dụng như: Tai nghe chống ồn, mặt nạ phòng độc, mũ chống vật lạ… Hơn một nửa sản phẩm tại cửa hàng được nhập khẩu từ nước ngoài, phần lớn nhập từ Trung Quốc, còn lại là đồ sản xuất trong nước. Mặt hàng nhập khẩu được bán chạy hơn mặt hàng sản xuất trong nước vì mẫu mã đa dạng hơn mà giá thành tương đương, thậm chí có những loại còn rẻ hơn”.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), hơn 60% số thiết bị BHLĐ hiện nay không bảo đảm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) thương tâm. Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2015 trên toàn quốc đã xảy 7.620 vụ TNLĐ làm 7.785 người bị nạn, trong đó số người chết là 666 người, số người bị thương nặng là 1.704 người. So với năm 2014, số vụ TNLĐ tăng 911 vụ, số người chết tăng 36 người. Nguyên nhân xảy ra TNLĐ do thiết bị không bảo đảm an toàn lao động chiếm 14,3% tổng số vụ.

Ông Lê Đức Thiện, Phó giám đốc Trung tâm An toàn lao động (Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động) cho rằng, thực tế không ít doanh nghiệp sản xuất thiết bị BHLĐ đã tiết kiệm chi phí bằng cách ăn bớt nguyên vật liệu, làm gian dối nên sản phẩm tuy có giá thành rẻ nhưng lại thiếu an toàn. Việc kiểm tra các sản phẩm bảo hộ cũng chỉ được tiến hành trên một số mặt hàng, số còn lại nhập khẩu tiểu ngạch thường không được kiểm soát. Nhiều sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài tiêu chuẩn không phù hợp với điều kiện sử dụng trong nước. Ví dụ, như tiêu chuẩn độ bền, móc của dây an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu là 15kg/N trong khi theo tiêu chuẩn Việt Nam là 20kg/N. Bên cạnh đó, những sản phẩm của Việt Nam cũng hầu như rất ít được kiểm định nhưng vẫn bán tự do, nhiều nhất là những sản phẩm như mũ bảo hộ và dây an toàn.

Khoảng trống đồ bảo hộ lao động cho nông dân

Theo Trung tâm An toàn lao động, hiện nay thiết bị BHLĐ trong ngành nông nghiệp chỉ chiếm 20%, trong khi lao động trong nông nghiệp chiếm khoảng 70% lực lượng lao động của cả nước. 94% số hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không có hướng dẫn, không có dụng cụ bảo hộ, mà dùng theo cảm tính, mua và phun tùy tiện. Theo nghiên cứu của trung tâm, khoảng 70% số người tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật đã có triệu chứng ngộ độc… cho thấy hơn bao giờ hết, an toàn lao động cho người nông dân đang ở tình trạng báo động. Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), lao động trong nông nghiệp có nguy cơ mắc TNLĐ cao, chỉ đứng sau lao động trong các ngành: Xây dựng, hóa chất và khai thác mỏ.

Các chủ đại lý buôn bán thiết bị BHLĐ cho biết, đa phần các sản phẩm được bày bán dành cho ngành công nghiệp, xây dựng. Các mặt hàng BHLĐ trong nông nghiệp thì rất hiếm, đại lý ít nhập vì có rất ít người mua. Lao động trong nông nghiệp chủ yếu là lao động nhỏ lẻ, tài chính hạn hẹp nên rất ít người chú trọng bảo hộ cho mình. Nhận thức của người nông dân về vấn đề này còn nhiều hạn chế. Người nông dân không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân như: Khẩu trang, găng tay khi tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật; vứt bỏ chai, bao chứa thuốc bừa bãi ngoài đồng ruộng; lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng vượt mức khuyến cáo; phần lớn máy móc, thiết bị nông nghiệp đưa vào sử dụng thiếu các bộ phận che chắn an toàn… là tình trạng phổ biến.

Siết chặt quản lý, tăng mức xử phạt

Chương trình Quốc gia an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 5-1-2016 với mục tiêu cụ thể đến năm 2020 trung bình hằng năm giảm 5% tần suất TNLĐ chết người. Để đạt được mục tiêu này thì việc siết chặt quản lý thị trường đồ BHLĐ là hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó cục trưởng Cục An toàn lao động, cho rằng, các sản phẩm BHLĐ trước khi lưu hành trên thị trường phải được chứng nhận đúng quy chuẩn kỹ thuật và các yêu cầu an toàn theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý sẽ phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp và các đại lý buôn bán đồ BHLĐ; tăng mức xử phạt đối với những doanh nghiệp sản xuất và các đại lý buôn bán đồ BHLĐ không đạt chất lượng. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị BHLĐ, khuyến khích các nhà sản xuất hướng tới thị trường nông thôn và người nông dân.

Ông Lê Đức Thiện thì đưa ra giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng đồ BHLĐ. Theo ông, cần phải mở các lớp tập huấn cho người lao động về cách sử dụng và cách nhận biết chất lượng đồ BHLĐ. Đối với những mặt hàng BHLĐ nhập khẩu cần xác định tiêu chuẩn của chúng có phù hợp với điều kiện thời tiết và con người Việt Nam hay không mới cho phép nhập về nước. Đồng thời, các tổ chức có nhiệm vụ nghiên cứu đồ BHLĐ cần thể hiện rõ vai trò hơn nữa trong việc đề xuất giải pháp kỹ thuật an toàn lao động và hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước. Có như vậy, thị trường đồ BHLĐ mới không lỏng lẻo và mục tiêu đến năm 2020 hằng năm giảm 5% tần suất TNLĐ chết người mới thêm tính khả thi.

Nguồn: La Duy   

 

Tin liên quan

CSKH:
KV Quảng Nam - Đà Nẵng:
0904 000 797
KV Huế - Quảng Bình:
0905 38 71 38
KV Quảng Ngãi - Khánh Hòa:
0904000226
KV Tây Nguyên:
0904000245
Tư Vấn an toàn lao động:
0905.29.55.86